27 thg 6, 2014

MÙA SEN...

       Mùa Sen về. Năm nay trời ít mưa nên Sen muộn. Cảm giác "Bông hoa Sen lai láng giữa hồ" mới như hôm qua mà đã là năm ngoái... Ba thu ủ giấc để một ngày Sen đội bùn nước vươn lên, lan khắp đầm lớp lớp màu xanh xếp vào nhau sâu thẳm. Trong các lớp màu xanh mềm như nhung ấy, những nụ Sen nhọn hoắt vươn lên đón nắng mai tưới tắm, đón nắng hạ bỏng cháy, chắt chiu để có một màu phơn phớt trong mỗi cánh hoa những tia như ánh mặt trời: SEN hồng tháng sáu.
                                          Hồ Tây năm ngoái....

16 thg 6, 2014

Kiến trúc lăng mộ và nghệ thuật điêu khắc đá Thanh Hóa


1/ Lăng mộ Quận Mãn Lê Trung Nghĩa: (?- 1786 ). Quận Mãn không rõ năm sinh, ông người làng Tu, thôn Nhuệ thuộc xã An Hoạch, tổng Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Đông Hưng TP Thanh Hóa. 
Dãy tượng bên trái nhang án đá
Ông làm quan dưới thời Lê trung hưng, được thăng đến chức Đô đốc Tổng trấn tước Quận Công nên người ta gọi ông là Quận Mãn. Trong thời kỳ quân Tây Sơn tiến ra bắc, Lê Trung Nghĩa lãnh đạo nhân dân Thanh Hóa chống lại quân Tây Sơn.
  Có bốn tấm bia đá ở Lăng mộ Lê Trung Nghĩa (quận Mãn) phường An Hoạch TP TH. 
    Bia cao 2,50m tính cả bệ. Bia trang trí và  khắc chữ cả 2 mặt. Các nét chạm khắc còn rất rõ nét tuy đã lùi xa gần 300 năm.

7 thg 6, 2014

THANH HOA ký sự- đất Vua nhà Chúa.

( bài hát nền Quê nghèo- ca sĩ Hương Lan)
       Nằm ở vĩ tuyến 19- 20, Thanh Hóa là tỉnh lỵ của tứ sơn : Bỉm Sơn- Nghi Sơn- Sầm Sơn- Lam Sơn ... Vị trí ở đầu dãy Trường Sơn án ngữ một vùng cửa ải khu ba và khu bốn, Thanh Hóa có đầy đủ địa thế của một Việt Nam thu nhỏ với núi-  rừng- trung du- đồng  bằng và biển đông.
       Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển VI, phần Thanh Hóa chép: “Mặt đông trông ra biển lớn, mặt tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn Châu (hoặc Sơn Thù) chăm hiểm ở phía Nam, (tục gọi là Eo Ống), giáp huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, núi Tam Điệp giăng ngang phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở. Thực là một trọng trấn có hình thế tốt”...
         Nhà sử học Phan Huy Chú viết:
“Thanh Hoa… các triều trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước” (Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, NXB Sử học, 1960).