28 thg 12, 2012

ĐỀN THỜ TRẦN KHÁT CHÂN VÀ LỄ HỘI LÀNG QUÊ Ở VĨNH LỘC



" Rơm rạ ơi ta trở về đây 
Xin cúi lạy vong linh làng mạc
Bà và mẹ hoá cánh cò cánh vạc
Ông và cha man mác kiếp trâu cày ..."

( Về đồng- thơ Nguyễn Duy)
Đền thờ Trần Khát Chân tọa lạc trên lưng chừng núi Cánh Cung, thuộc thôn Cao Mật, nay là xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Chỉ hết một giờ đồng hồ đi xe máy (từ Thành phố Thanh Hóa) vừa ngắm cảnh trên quốc lộ 45 hay quốc lộ 217 rẽ trái từ thị trấn Hà Trung là bạn đã có mặt trước ngôi đền.

Đây là một vùng địa linh tươi tốt, cao ráo, sáng sủa, đẹp đẽ. Thiên nhiên hào phóng đã ban cho Vĩnh Lộc hàng loạt danh lam thắng cảnh, hang động gắn với các di tích lịch sử, kéo dài một vệt từ Vĩnh An- Vĩnh Hùng- Vĩnh Ninh- Vĩnh Thịnh- Vĩnh Tiến- Vĩnh Thành…với những núi: Tiến sĩ, động Hồ Công, chùa Du Anh, động mới Tiên Sơn, phủ đệ chúa Trịnh, lăng thái phi Ngọc Diệm, núi Cánh Cung, thành nhà Hồ…
Đứng từ ngôi đền, mắt thường ta có thể nhìn thấy từ phía xa trước mặt là núi Đầu Voi, được ví như một hương án, hai bên tả hữu là hai dòng sông Mã và sông Bưởi, tạo nên thế âm dương giao hòa.
Đền nằm trên sườn non cao, ẩn mình trong tầng tầng lớp lớp các tán cây cổ thụ, đáng kể nhất là cây thị, cây muỗm, cây sộp đến vài trăm tuổi càng tạo nên sự tôn nghiêm của di tích. Kiến trúc của ngôi đền theo kiểu chữ NHỊ có chuôi vồ, mái thấp với những hàng cột tương đối lớn bằng gỗ quý. Ánh sáng tự nhiên không rọi thẳng vào ngôi đền mà được va đập khúc xạ qua các hệ thống cửa và lối vào. Không gian trong đền tối với thứ ánh sáng huyền ảo của đèn nến, mùi thơm của hương khói tạo cho du khách một cảm giác linh thiêng. Trong đền, các đồ thờ tự cổ còn khá nhiều, mang đậm lối trang trí thời hậu Lê: Hương án, bệ ngai, hoành phi, câu đối, lư hương, các sắc phong, bài vị và tượng voi ngựa…một số hư hỏng bởi sự tàn phá của thời gian. Trong ngôi đền không có một pho tượng nào kể cả trong cung cấm, chỉ có các bài vị, tay ngai được khoác phục trang mũ mão đại lễ. Các sắc màu y phục vàng xanh, các đồ thờ tự tay ngai, kiệu màu nâu đen thếp vàng… đặc biệt kiêng màu đỏ vì ngài chết bởi gươm đao.
Trong cung cấm mỗi năm chỉ mở một lần vào ngày húy kỵ, nhiều thần vị và các sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho các vị thánh được thờ trong ngôi đền, cao nhất là sắc phong “thượng đẳng thần”. Nhưng với dân ở vùng này ông là thánh chứ không phải thần bởi họ biết rõ tên tuổi, quê quán và công trạng của ông. Dân địa phương cung kính gọi ngôi đền thờ ông là đền Thánh Trần và có tục kiêng gọi tên húy, từ “chân” được gọi bằng từ “cẳng”.Dân 3 tổng ven sông Mã tôn ông là thành hoàng, gọi là thánh Lưỡng bởi vì quê ông ở làng Hà Lưỡng (từ Hà Lương đọc chệch đi).
Lễ hội đền thờ Trần Khát Chân được diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/4 âm lịch hàng năm, đó cũng là ngày hội làng. Phàm là con em quê hương Vĩnh Lộc dù là làm ăn gần xa trong tỉnh , ngoài tỉnh đều nhớ đến ngày này để về góp mặt .
Thế mới biết không chỉ ngày xưa mà ngày nay cũng vậy: đền thờ- lễ hội không chỉ là nơi thờ cúng tôn nghiêm mà còn là nơi gặp gỡ của các thế hệ để cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, nhắc nhở nhau đạo lý uống nước nhớ nguồn, đạo đức lễ nghĩa, tình làng nghĩa xóm, nhân ái thủy chung.
Phần “lễ” là các nghi thức hầu như không thay đổi qua các năm, gồm có đại tế và tiểu tế do các vị cao niên có uy tín và đức độ trong làng đứng ra đảm nhiệm, lại cử một chủ tế đứng ra lo việc chung và đọc bản công trạng ca ngợi công đức của Thánh. Sau vài tuần dâng rượu, đoàn đại biểu cập huyện cấp xã dâng hương thì đám rước bắt đầu. Kiệu ngai Thánh do các chàng trai tráng kiện rước đi đầu, tiếp theo là rước bằng di tích lịch sử văn hóa do tỉnh cấp năm 1994 . Tán vàng lọng tía, cờ quạt gươm giáo, bát bửu , các vật phẩm cúng tế cũng được dâng theo.
Đám rước từ con đường 217 nhập với quốc lộ 45 dẫn đến đền Tam Tổng trong một không khí hết sức rộn ràng mà trang nghiêm, náo nhiệt mà thành kính. Ấn tượng nhất là nghi thức chạy kiệu hay còn gọi là quay kiệu: Trong một khoảng đất không lấy gì làm rộng rãi và bằng phẳng, kiệu Thánh quay tròn, tám chàng trai kiêng kiệu cũng chạy cuốn theo vòng tròn ấy, gương mặt rám đỏ vì nắng như bừng lên, say sưa cái chất men của lễ hội. Không biết là vì ngẫu hứng hay hay như các cụ ngày xưa vẫn quan niệm là Thánh đã ứng và sang năm mới mùa màng lại bội thu, con cháu trong làng ngoài xã sẽ thành đạt, kẻ đi làm ăn xa quê sẽ may mắn ? Sau khi hành lễ ở đền Tam Tổng, đám rước rồng rắn lên mây kéo về đình Hà Lương nơi quê hương Thánh và chiều lại rước về đền chính.
Ngoài phần nghi lễ, trong hội còn có các trò diễn dân gian như múa hát, bơi cạn, cầu mưa…là các tư thế và các động tác chèo thuyền trên sông nước được cách điệu cao, trang phục nữ quan trắng hoặc vàng,. Xong múa bơi cạn, đội múa tiếp tục trò chơi xếp chữ VÂN (mây) vào buổi sáng và chữ VŨ (mưa) vào buổi chiều. Theo tục lệ xưa, năm nào hạn hán thì Tam Tổng làm lễ cầu mưa, rước bài vị Thánh bờ sông Mã để tế lễ, có hát múa bơi cạn, bơi chải. Phần hội ở đây được diễn ra dưới gốc cây đại thụ có sẵn các bàn cờ để các cụ vừa chơi vừa ngâm nga lẩy Kiều, xung quanh có rất nhiều người xem, trẻ nhỏ cũng có các trò chơi: ném vòng vào chai, ném bóng vào chậu, kéo co…các trò chơi này mỗi năm lại thay đổi và bổ sung để phong phú hơn.
Đã đến Vĩnh Lộc dự lễ hội, khi về du khách không quên mua đặc sản quê hương, đó là dưa Don và chè lam Phủ Quảng, đã nếm một lần là nhớ mãi trong đời bởi đặc sản có những hương vị riêng mà chè lam và dưa cải nơi khác không có được. Ở thềm đá vào đền là bàn ghi nhận công đức thập phương. Nhìn qua danh sách công đức, biết dân mình còn nghèo nhưng cái tâm cái đức thật đủ đầy, ngay bàn kế bên lại có hẳn một ban phát lộc Thánh mang về cho con trẻ ăn lấy may…
Tôi vốn không hẳn con người thích hoài cổ nhưng sau bao nhiêu năm trở lại quê ngoại, được dự lễ hội quê hương, trong lòng không khỏi bùi ngùi thương cảm. Làng tôi còn nghèo quá, những người dân quê tôi đôn hậu quá…và tôi cứ bận tâm mãi một điều: Tại sao hướng của ngôi đền lại là Tây Bắc chứ không phải hướng Nam ; Tây Nam hoặc hẳn phía tây như quy định chặt chẽ của phong thủy?
Hướng Tây Bắc là hướng của làng tôi và là hướng của cả thành đá Hồ Quý Ly nữa. Phải chăng khi xây dựng ngôi đền người xưa đã rất ân tình và thông cảm với vị trung thần của một triều đại đang suy vong? Hình ảnh người tướng quân một tay cầm cương ngựa, một tay giữ chặt lấy đầu đã bị chém, không chấp nhận cái chết là một biểu tượng bất tử sống mãi trong tâm tưởng người dân Vĩnh Lộc quê tôi. ?

* Mời các bạn thưởng thức bản nhạc Lòng Mẹ, Saxofon Trần Mạnh Tuấn (nguồn video YouTube)




Chibao Nhận xét:
Bài viết đậm chất tư liệu, khảo cứu, và cũng thật sâu sắc. Người viết đã có kiến thức dầy dặn, uyên thâm về đề tài Đền thờ Trần Khát Chân và Lễ hội, về lịch sử, văn hóa, hội họa , kiến trúc... và có những gợi mở xác đáng, nhất là phần kết.

Bài viết không chỉ lôi cuốn người đọc vì đầy ắp thông tin mà còn vì có cả một tấm lòng của một người con của Vĩnh Lộc tha thiết tình yêu quê hương...

langtu rungxanh nhận xét:

Bạn thật là có tình cảm sâu nặng với quê hương

http://sannhac.com/mp319209/LONG-ME-2-savage_tiger.htm

langtu rungxanh 

Hay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.