22 thg 7, 2013

TRI ÂN ĐÂU CHỈ MỘT NGÀY...


 "Tổ quốc đón anh về"-
tranh Đặng Phương Mai

        Chiến tranh đã lùi xa 38 năm nhưng nỗi đau của nó vẫn còn âm ỉ trên khắp đất nước này. Tôi còn nhớ như in những ngày năm ấy. Đại thắng mùa xuân năm 1975, quê ngoại tôi nhà nhà chong đèn thâu đêm để đón những đứa con từ mặt trận trở về. Bên cạnh nụ cười, niềm vui ngày gặp mặt còn không biết bao nhiêu là tiếng khóc, là nước mắt và những đau thương mất mát không gì bù đắp nổi.Nhân dịp ngày thương binh liệt sĩ, nữ văn nghệ sĩ của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thanh tổ chức chuyến đi thực tế giao lưu, tặng quà tại Trung tâm thương binh nặng ở Quảng Thọ (trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công) và dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng.

   7 giờ 30 sáng, ban lãnh đạo Trung tâm đã có mặt đông đủ đón đoàn. Khi chiếc xe khách chở chúng tôi kịp dừng giữa sân, từ các khu nhà, nhân viên điều dưỡng đã hướng dẫn cho các thương bệnh binh tập trung về hội trường lớn trên xe lăn hoặc dìu từng bước trong không khí lặng lẽ. Tôi thoáng ngạc nhiên bởi các thương bệnh binh này có rất nhiều độ tuổi khác nhau. Dãy nhà mái bằng bên hông hội trường được rào kín bằng thép B40. Trong sân một số thương binh đang ngồi chơi đất, phơi nắng, ôm thềm hè và nói chuyện một mình. Anh cán bộ trung tâm khi thấy tôi đứng sát rào thép liền lại nói nhỏ như người có lỗi:
 “Đây là những thương binh tâm thần và có bệnh lao mãn tính, chị ạ...”.
      Tôi nghẹn ngào, một điều xót xa chực òa ra trong tôi: cách đây mấy mươi năm về trước mẹ sinh ra anh chắc không phải thế này, anh vào quân ngũ ra mặt trận chắc không phải thế này...Đất nước này, những thế hệ sau nữa...nợ các anh nhiều lắm...Tôi cầm máy ảnh mà không thể hay nói đúng hơn là không nỡ bấm máy. Thôi, lần đi thực tế này coi như không có tài liệu mà chỉ để lấy cảm xúc sáng tác.
        Trung tâm hiện có 187 đối tượng thương binh bệnh binh, trong đó 88 thương binh, bệnh binh tâm thần. Số lượng thương bệnh binh trong tỉnh được đưa về điều dưỡng chăm sóc tại trung tâm chỉ 8% so với con số thực trong toàn tỉnh. Nhiều thương binh nhiễm chất độc da cam và có tới 58 trường hợp chất độc da cam thuộc thế hệ sau. Trung tâm còn nuôi dưỡng chăm sóc nhiều thân nhân là vợ liệt sĩ già cả, cô đơn, không nơi nương tựa...

         Không đạo diễn, không kịch bản vậy mà chương trình giao lưu văn nghệ xúc động vô cùng. Trong đoàn chúng tôi đủ tất cả các ban: Ban sân khấu, ban văn xuôi, ban thơ, ban nhiếp ảnh, ban Âm nhạc , ban nghiên cứa văn hóa dân gian, ban mỹ thuật... đã mang đến cho buổi giao lưu những tiết mục văn nghệ đặc sắc và xúc động. Cả hội trường như lặng đi khi nghệ sĩ ưu tú Thu Hài thể hiện hai ca khúc về người Chiến sĩ và về Mẹ, nghệ sĩ ưu tú Minh Côi đọc thơ về người chồng liệt sĩ và nhà văn Viên Lan Anh đọc thơ “Xuân 1975” viết về người cha liệt sĩ của mình đã vĩnh viễn nằm lại thành cổ Quảng Trị... Cả hội trường lặng đi. Mấy bó hoa to xé lẻ, các thương bệnh binh lên tặng cho các nghệ sĩ, ca sĩ. Mấy bác thương binh già lên ôm nhà văn trẻ vào lòng, cả hai cùng nức nở, cả hội trường nức nở. Im lặng, không lời thay cho ngàn lời nói...

    Tạm biệt Trung tâm điều dưỡng chăm sóc người có công, tạm biệt các anh chị, các em, các cháu con của thương bệnh binh...chúng tôi lên đường đến dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng.

        Mặt trời đã đứng bóng. Không gian tĩnh lặng vô cùng, chỉ có rì rào hàng phi lao và nhè nhẹ hương sen của bốn bề hào sen thả quanh nghĩa trang. Các anh đang yên giấc. Thanh Hóa 27 huyện thị, 27 tấm bia có ghi số lượng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và con số liệt sĩ của từng huyện đã hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam và Lào, biên giới phía bắc...
Mộ liệt sĩ anh hùng Lê Đình Chinh
Tôi đứng lặng giữa nghĩa trang liệt sĩ
    Theo chỉ dẫn của người quản trang già cũng là một cựu chiến binh, ngay hàng đầu tiên bên tay phải là ngôi mộ của liệt sĩ anh hùng Lê Đình Chinh. Một nén tâm hương dâng lên người anh hùng cùng trang lứa. Nếu ngày ấy không có sự ưu tiên nhà có đến 4 người đang tại ngũ thì biết đâu đấy, tôi đã cùng mặt trận với anh rồi...
Nhà văn Lê Xuân Giang cùng dâng hương
        Đồi C4, nơi diễn ra trận đánh trả B52 ác liệt, nơi Hàm Rồng- Bản anh hùng ca bất tử, nơi thần sấm – con ma phải cúi đầu, nơi Không lực Huê kỳ phải đầu hàng tháo chạy....Trên bia ghi tên những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây đều còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 tuổi. Nhà văn Lê Xuân Giang, cựu pháo thủ cho biết “tất cả đều là hạ sĩ, chiến sĩ ...” bởi chiến tranh ác liệt không còn kịp phong quân hàm mặc dù có thành tích.
Bia liệt sĩ Đồi C4 anh hùng
        Sừng sững trên nền trời là ngôi đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang trong thời kỳ hoàn thiện. Có lẽ không một nơi tri ân nào, thờ phụng nào linh thiêng và muôn đời hơn là chính đền thờ trong lòng mỗi người khi nghĩ về những người con Liệt sĩ, Thương binh, những người Mẹ đã dâng hiến cho Tổ Quốc cả cuộc đời mình đó là những đứa con thân yêu.
Đền thờ bà mẹ VNAH ở Thanh Hóa
Tháng bảy, dịp để cả nước tri ân những người đã có công với đất nước nhưng có lẽ chính những người vợ của thương binh là tri ân được cho họ mỗi ngày. Sự tri ân này là tình yêu của người vợ, sự ân cần của người chị, chăm chút của người em gái và cả sự chở che của người mẹ nữa.
         Theo thời gian trôi chảy, lẽ vô thường, mấy mươi năm sau những người có công với Tổ Quốc cũng sẽ lần lượt về với tiên tổ. Những gì chúng ta có thể làm được nữa cho họ hãy làm ngay không bỏ sót. Cuộc đời này, đất nước này và lịch sử sẽ mãi tri ân và ghi nhớ muôn đời công ơn của các thương binh liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng.
         Vâng, tri ân đâu chỉ một ngày..

24 nhận xét:

  1. Một vài ngày nũa thôi sẽ là ngày 27/7 : " Ngày thương binh liệt sỹ "...Cả nước, tổ quốc, dân tộc và mọi người đã, đang và sẽ có một loạt các hoạt động tri ân tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống và đã mất mát một phần xương thịt mình cho sự nghiệp giải phóng và bảo vệ đất nước...
    Cảm ơn bài viết đã cho tôi cảm xúc dâng trào trước những hy sinh mất mát to lớn của những người anh hùng và người thân của họ đã phải chịu đựng kể cả là đã 38 năm sau chiến tranh giải phóng... và bứt rứt đâu đó trong lòng về việc TRI ÂN...và " tri ân đâu chỉ một ngày"...
    Chúc Phương Mai cùng Ông Xã - Cựu chiến binh, thương binh luôn vui khỏe và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã ghé thăm Blog và đọc bài TRI ÂN. Vâng, cả dân tộc này sẽ còn tri ân sự hy sinh này của các thương binh- liệt sĩ- mẹ VN anh hùng mãi mãi... Chúc anh và người thân Vui khỏe- Hạnh phúc- Bình yên.

      Xóa
    2. Đúng! "Tri ân đâu chỉ một ngày" Tưởng khó có thể đọc hết được bài viết của Em mặc dù không phải là dài, mà nó tràn đầy cảm xúc. Bài viết, Tác giả đã hòa quyện với nỗi đau mất mát của người lính, của gia đình người lính. Cám ơn Em đã có sự chia sẻ tự đáy lòng mình, làm trỗi dậy sự tự hào và ý thức hơn trong cuộc sống của mỗi chúng ta khi nghĩ về quá khứ đã qua.Đã từng là một người lính, thật ấm lòng khi đọc xong bài viết của PM. Chúc Em có cuộc sống vui, hạnh phúc bên gia đình nhé!

      Xóa
    3. Ôi. Lâu lắm, CONHOANH đi đâu vắng không ghé thăm nhà. Một vài cảm nhận sau chyến đi thực tế hôm 20/7/2013 đấy anh ạ. Chúc anh- người cựu chiên binh năm xưa luôn nêu cao tinh thần người lính ở mặt trận mới nhé

      Xóa
  2. Mình đọc bài viết của bạn.TRI ÂN ĐÂU CHỈ MỘT NGÀY,thật xúc tích và cảm hồn vô cùng.Sự hy sinh của các thế hệ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc VIỆT NAM.Sử sách sẽ ghi mãi và đời đời nhớ ơn những người con ưu tú.
    Mình cũng là người lính,mình rất cảm ơn bạn khi đọc những dòng viết của bạn,mình thật ấm lòng,xin chúc bạn vạn sự an lành!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật là vui khi Blog Phương Mai được đón người lính đã hoàn thành nghĩa vụ làm trai trở về quê nhà. Chúc anh và gia đình hạnh phúc nhé.

      Xóa
  3. Hôm trước mình có chuyến đi công tác tại Đồng Hới - Quảng Bình, mình có ghé thăm và thắp hương ở Hang Tám Cô và Đền thờ liệt sỹ đường 20.... thật bùi ngùi xúc động. Hang Tám cô là một địa danh lịch sử, nơi hy sinh của những TNXP - những người con anh dũng của đất Hoằng Hóa đó bạn (mình đã viết bài và đăng ở blog của mình)...
    Hôm nay sang thăm bạn lại được đọc một bài viết thật sâu sắc và cảm động... đúng là TRI ÂN ĐÂU CHỈ CÓ MỘT NGÀY...
    http://direct1.anhso.net/original/15/152879/91220118487855.jpg
    Chúc PM một tuần mới may mắn và nhiều niềm vui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Minh Châu Trần nhé. Vâng, hang Tám cô là nơi nằm lại của những cô gái xứ Thanh quê Hoằng Hóa...Ở bên phải ngôi đền thờ hiện nay có CÂY TÌNH YÊU. Gồm 2 cây, một cây đứng thẳng, cây kia dẹt mỏng thân mình, ôm bao quấn quýt lấy cây đứng thẳng. Ở một nơi khói lửa ác liệt những năm chiến tranh đã tạo nen biểu tượng đẹp, thật là thiêng liêng.

      Xóa
  4. "tri ân đâu chỉ một ngày" như tiếng chuông vang lên nhắc nhở mọi người. Sang thăm, đọc bài nầy mà mình thấy tâm đắc. chúc bạn vui vẻ mãi nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PM cảm ơn Mẫn đã ghé thăm đọc bài. Đất nước đi qua không biết bao nhiêu năm tháng chiến tranh ác liệt. Bài viết cũng là một cách tri ân, anh ạ

      Xóa
  5. Bài viết của chị lúc nào cũng có cái tâm ở trong ấy .
    Hình ảnh người chiến sĩ bao giờ cũng đẹp dù trong mọi hoàn cảnh chị ạ .
    HN sang thăm chúc chị công tác tốt .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Nguyễn Hoàng đã ghé thăm mặc dầu đêm đã rất khuya. Chúc em gái mỗi ngày đều có niềm vui và hạnh phúc, nuôi dưỡng hồn thơ trẻ mãi nhé.

      Xóa
  6. Cây đó gọi là Cây Mối tình Trường Sơn
    http://2.bp.blogspot.com/-MxZX2SvwL80/UcgEa55BfjI/AAAAAAAAATE/1ylmMNtJAek/s400/IMG_0094.jpg
    Còn đây là Hang Tám Cô
    http://1.bp.blogspot.com/-PBywxdeYNYU/UcgDChEPNGI/AAAAAAAAASk/Rj1BP4p-bEU/s320/IMG_0098.jpg

    http://3.bp.blogspot.com/-Nkn3kMdc_tM/UcgDH90_XII/AAAAAAAAASs/dQI-HLWwmNA/s400/IMG_0105.jpg
    Ảnh do MC chụp trong chuyến công tác ở Đồng Hới vừa rồi đó bạn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng. Họ là những cô gái thanh niên xung phong còn rất trẻ, đã chiến đấu anh dũng và hy sinh ở đây như một huyền thoại- trên con đường 20 này... MÁU 20 ĐỎ THẮM ĐƯỜNG 20... Cảm ơn MCT đã chụp được những tấm hình quý.

      Xóa
  7. " Tôi nghẹn ngào, một điều xót xa chực òa ra trong tôi: cách đây mấy mươi năm về trước mẹ sinh ra anh chắc không phải thế này, anh vào quân ngũ ra mặt trận chắc không phải thế này.." Cảm xúc dâng trào trong tôi khi đọc những lời bình dị này. Cảm ơn Phương Mai nhiều lắm về bài viết, về cái tâm trong sáng, tấm lòng đa cảm và sự xẻ chia xâu sắc. Cảm phục Phương Mai.

    Trả lờiXóa
  8. Anh đã dùng những câu từ quá là đẹp và ưu ái với PM rồi. Cảm ơn anh đã ghé thăm và thích bài viết.

    Trả lờiXóa
  9. Con tạo xây lên cuộc chinh trường
    Ta địch bắc nam nhiều đau thương
    Tàn binh xếp cờ vùi cuộc chiến
    Để lại đất này bao xót vương ...........
    ...........

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, chiến tranh là thế : Mất mát đau thương...Cảm ơn anh đã ghé thăm Blog PM và chia sẻ thật sâu sắc cảm xúc của mình bằng những vần thơ.

      Xóa
  10. Công lao xương máu của các anh hùng thương binh liệt sĩ không thể nói hết bằng lời. mà phải bằng hành động thiết thực của toàn đảng toàn dân. chế độ chính sách có nhưng chưa phù hợp chưa xứng đáng
    Có nhưng trường hợp thương binh tham gia chiến trường miền nam bị sức em bom đạn thành tâm thân còn mạng sống trở về nhưng thành kẻ điên điên dở dở . có biết gì nữa , nên giấy tờ quân ngũ , chẳng còn gì, chỉ gia đình chịu khổ bản thân chịu khổ suốt cả đời . Bây giờ hòa bình nhà nước có chút chế độ đại ngộ thì chẳng có giấy tờ gì để chứng minh cho mình . vậy là cả đời thiệt thòi có công thành vô công, chế độ chính sách phải làm sao xem xét những trường hợp thế này chứ. sao lại bất công quá vì chính sách cứng nhặc . trong khi đó không biết bao nhiêu kẻ chẳng có công gì thì hưởng thụ ăn trên ngồi chốc thật là bất công phi lý

    Cảm ơn bài viết của chị PM ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiến tranh mà Anh Nguyên. Trong cuộc chiến này, bên thắng cuộc và bên thua cuộc đều mất mát như nhau. Chiến tranh ! Thật là đáng ghét.
      Chế độ nhà nước mình mỗi năm đều có sự hoàn thiện cho phù hợp nhưng mà để đúng và thỏa mãn được cho tất cả các đối tượng là việc làm rất khó. Chúc Anh Nguyên vui khỏe và sáng tác đều nhé.

      Xóa
  11. Cảm ơn ĐPM vì tấm lòng thơm thảo của bạn.
    Chúng ta có một ngày 27/7 trong năm để tưởng niệm sự hy sinh cao cả vì Tổ Quốc của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh còn đang sống trong nghèo khó, vật lộn với những nỗi đớn đau về cả thân thể lẫn tinh thần, với những nỗi ám ảnh "thôi miên người như cú vọ... Chôn xong hiện về" (Chế Lan Viên). Nhưng "Tri ân đâu phải chỉ một ngày..." đã làm ấm lòng biết bao người mẹ, người vợ, người lính cũ, như một lời tự nhắc nhở, như một lời nhắn nhủ biết bao người đang sống hối hả trong vòng quay nghiệt ngã của cuộc đời khiến mình đôi khi sao lãng... và thức tỉnh không ít những tấm lòng lạnh tanh vô cảm.
    38 năm sau chiến tranh... Và giờ đây, rải rác trên rừng Trường Sơn, trên khắp các nẻo đường Đất nước mà dấu chân người lính đã đi qua vẫn còn những nấm mộ vô danh, thậm chí không còn lại dấu vết gì trên mặt đất. Nhưng sự hy sinh thầm lặng của các anh mãi mãi vẫn được Tổ Quốc và Nhân Dân ghi nhận như một hình ảnh cao đẹp và thân thương nhất:

    Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm
    Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ
    Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị
    Thân hy sinh thơm đất, thơm trời.
    (Nấm mộ và cây trầm, Nguyễn Đức Mậu)

    May mắn thay, trong chúng ta vẫn còn có những câu chuyện có hậu:

    - Có một xóm vui
    Đám cưới mùa xuân

    Trầu hái giàn nhà, thắm môi hai họ.
    - Có anh thương binh
    Đêm ngồi bên vợ
    Tóc ai dài thơm nước lá chanh!
    (Hoa Chanh, Nguyễn Bao)

    Người thương binh của chúng ta quả là Hạnh Phúc.
    Một lần nữa, xin cảm ơn Tấm lòng thơm thảo của Cô Chủ ĐPM.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Dang Hang đã chia sẻ thật sâu sắc những cảm nhận của mình. Chúc anh luôn vui khỏe, hạnh phúc đầm ấm bên những người thân yêu.

      Xóa
  12. Chúc PM cuối tuần vui và hạnh phúc
    (Tối nay cùng thắp sáng ngọn lửa tri ân bạn nhé)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng. Tất cả chúng ta hãy thắp sáng ngọn lửa tri âm áy nhé, MCT .

      Xóa

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.