5 thg 9, 2013

Người Việt tha hương và Ngôi trường Việt nơi lòng Biển Hồ Cam Pu Chia

Tôi và Thu đang ngồi trên một ca nô
       Tham gia tour từ TP HCM đi du lịch Campuchia 4 ngày 3 đêm, tôi rất mừng vì có chương trình khám phá Biển Hồ tự nguyện. Sau 3 ngày du lịch trên đất Căm Pu Chia, thủ đô Phnompenh, chiêm ngưỡng đền đài Angkor Thom, Angcor Wat kỳ vĩ  ở Siem Riep, chúng tôi lên đường tiếp tục khám phá Biển Hồ cách đó chừng 12 km và thăm làng người Việt ở đây. Biển Hồ trải dài qua 5 tỉnh của Campuchia, mùa lũ diện tích mặt nước lên tới 10.000km2 nhưng mùa khô chỉ còn khoảng 3.000km2. Có  khoảng hơn 3 triệu dân sống xung quanh Biển Hồ, trong đó có khoảng 200.000 người Việt.
         Con đường dẫn đến gần Biển Hồ càng đi càng xấu, làng xóm thưa thớt hơn và cũng nghèo hơn. Những căn “nhà sàn” theo kiểu nhà chòi lênh khênh, mái lá cũ nát gắn trên những chiếc cột bằng cây gỗ đơn sơ giúp cho người dân Biển Hồ chống lại mùa mưa lũ. Vào mùa này, Biển Hồ rộng gấp hàng chục lần so với mùa khô. Thời điểm cuối tháng 8 đang là cuối mùa mưa. Trên dòng kênh đục ngầu bởi mùa nước nổi, những căn nhà nhấp nhô, bập bềnh trên những chiếc phao, thùng phi, mái lợp tôn tạm bợ, cột kèo chống đỡ khẳng khiu, san sát nhau và bồng bềnh.... Mọi sinh hoạt ăn ở, vệ sinh của gia đình chỉ gói gọn trong những ngôi nhà ọp ẹp.
Nhà người Việt trên Biển Hồ 
      

     Ca nô chở khách du lịch đi trên kênh giữa hai dãy nhà chòi như đi giữa một thế giới dân tình khác lạ, hoang dã, xơ xác, tồi tàn và lam lũ. Chúng tôi thực sự sửng sốt bởi cuộc sống của họ quá khổ, quá nghèo đói và cơ cực kinh khủng! Những dãy nhà lúp xúp như ổ chuột, phên mái tạm bợ bằng tôn gỉ, liếp nhựa, chiếu rách. Như thế này mà gọi là sống ư ? 
Xóm chài Việt khi tàu du khách đến   

quấn con trăn xin tiền du khách
     Làng Việt ở đây sinh sống chính bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm, săn rắn, bắt trăn như thời xưa hoang dã, bất kể những vật dụng gì có thể sử dụng làm phương tiện di chuyển trên sông nước: bè xốp, thuyền thúng tròn nhỏ bé, mỏng manh. Thậm chí cả…chậu thau nhôm loại lớn cũng được sử dụng làm thuyền cho bọn trẻ. Có những đứa trẻ mới chỉ biết ngồi nhưng đã được trang bị  một con trăn to bằng bắp tay quấn quanh cổ làm hành trang ăn xin du khách.
          Trên Biển Hồ, lực lượng ăn xin rất đông, những người là cha mẹ dựa vào con nhỏ để xin tiền du khách. Hiền- cậu thanh niên hướng dẫn viên du lịch người gốc Tây Ninh- quốc tịch Campuchia căn dặn chúng tôi tuyệt đối không cho tiền những người ăn xin này. Chính quyền ở đây có chủ trương đưa trẻ em vào trường học và nuôi dạy, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 14 tuổi, nếu khách du lịch cứ cho tiền thì nghiễm nhiên ăn xin trở thành một nghề kiếm sống và các bậc cha mẹ sẽ không cho con em họ đến trường nữa... 
      Tuy chủ trương là như vậy, song hàng đoàn thuyền ghe gắn máy vẫn áp mạn vào ca nô lớn mặc những đợt bọt sóng cứ duyềnh lên làm chao đảo những thuyền ghe ăn xin. Trên con thuyền là cả một gia đình, mẹ chèo lái, các con cố bám lấy mạn thuyền, chìa tay xin du khách bằng tiềng Việt và tiếng Anh bồi. Những con thuyền bé bỏng giữa mặt nước mênh mông của làng chài nghèo, những khuôn mặt trẻ thơ nhếch nhác, đen nhẻm, những ánh mắt vô vọng đang bao vây ca nô để xin thêm đồng bạc, bất kể tiền gì. Họ không rời ca nô khi chưa có gì trao tay. 
        Trên những thuyền ăn xin này là những gương mặt đàn ông điều khiển máy nổ, người đen đúa gầy đét, những gương mặt phụ nữ và trẻ em ngơ ngác, bủng beo vì đói ăn thiếu ngủ, da dẻ đen nhẻm, xám ngoét... uy chỉ đôi mắt là ánh lên vẻ cầu khẩn. Trong tôi, một sự xót xa thương cảm dâng trào: Đây là kiếp người ư ? Sống như thế này thật mang tiếng cũng một kiếp người....Suy nghĩ của bản thân tôi cũng là những gì du khách sẽ cảm nhận được khi thâm nhập vào làng Việt tha hương này.
     Vất vả lắm, đoàn du khách mới thoát khỏi vòng vây của những người đồng hương nghèo khổ xứ Biển Hồ và đến thăm trường học tình thương do Quân khu 7 của Việt Nam tặng. 

      Chuyến thăm ngôi trường này chúng tôi không được báo trước nên nhiều người trong đoàn rất băn khoăn vì không có sự chuẩn bị quà tặng gì cho các cháu. Trường học là một sà lan nổi. Thật xúc động khi thấy các cháu ngồi bệt trên sàn, nghiêm trang đoàn trống ếch chờ du khách Việt Nam đến. Khoảng chừng 30 cháu, tuổi từ 7-10, nhỏ thó đen đúa, tóc tai bù xù khét mùi nắng Biển Hồ, trang phục chủ yếu là quần đùi, áo cộc, chân đất... 
        Thầy hiệu trưởng Trần Văn Tư và một vài thầy cô giáo ra tiếp đoàn chúng tôi. Những gương mặt trẻ thơ non nớt cứ ánh lên nhìn du khách. Tôi quan sát toàn bộ "cơ ngơi" học hành của các em mà trong lòng xót thương cho những mảnh đời không có gì hứa hẹn một tương lại tươi sáng. Các em có thể đổi đời từ những đầu tư cho học hành  như thế này ư ? Làm sao mà là chủ nhân dựng xây đất nước, là của để dành cho mẹ cha? Miếng cơm manh áo là những thứ tối thiểu còn chưa đủ mỗi ngày nói chi điều cao xa. Những gương mặt và ánh mắt trẻ thơ thật thiết tha.Tôi bước lên tự giới thiệu:
Tôi làm nhịp cho các cháu đọc 5 điều Bác Hồ dạy
- Các cô chú ở bên Việt Nam sang, nghe tin các cháu ở đây rất chăm ngoan và học giỏi, các cô chú rất mừng.... Vỗ tay !
      Cả lớp học cùng vỗ tay, tất cả những du khách và thầy giáo cô giáo cùng vỗ tay rất vui, nhiều nụ cười bẽn lẽn thẹn thùng trên gương mặt các em. Tôi nói tiếp: 
- Các cháu là người Việt Nam sống xa tổ quốc, các cháu cố gắng học tập tốt để xứng đáng là con ngoan trò giỏi nhé. Các cháu có đồng ý như thế không ?
       Lại một tràng pháo tay nữa vang lên, những đôi mắt rơm rớm vì cảm động trước sự vui mừng vô tư của các em. Tôi tiếp tục, giọng có phần hào hứng thêm:
- Các cháu có thuộc 5 điều Bác Hồ dạy không? Cô cùng các cháu đọc thật to, thật vang nhé : " Một: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào....".    Tất cả các cháu cùng hòa theo. Tất cả những ai có mặt ở đó đều đồng thanh đọc năm điều Bác Hồ dạy làm vang cả một vùng Biển Hồ vốn dĩ chỉ có tiếng gầm của động cơ ghe xuồng phóng vút cập mạn thuyền du khách để xin ăn .
Phía sau lưng là Biển Hồ
        Thời gian không cho phép chúng tôi lưu lại lâu hơn. Tạm biệt ngôi trường tiểu học có một không hai này, tất cả chúng tôi không ai bảo ai đều ủng hộ quyên góp tiền vào thùng quỹ từ thiện của trường học. Thật đáng xót xa cho cuộc sống các cháu học sinh nghèo nơi đây. Thầy hiệu trưởng thay mặt nhà trường cám ơn đoàn đã đến thăm
Thầy giáo hiệu trưởng nói lời cảm ơn đoàn
      Trên đường trở lại bờ vẫn còn đó nhưng con thuyền không mời áp mạn, những bộ mặt thiểu não với những cánh tay xin xỏ. 
Cậu bé Campuchia 12 tuổi  làm "lơ"trên ca nô
    Thực ra, Biển Hồ không có gì đặc biệt vì chỉ toàn mênh mông nước xa tít như  không giới hạn. Cộng đồng người Việt nơi đây thật đáng thương. Họ sống độc lập ngoài Biển Hồ, cùng với sóng nước, với con cá, con trăn và rắn, không được cấp giấy tùy thân, không được coi là người Campuchia dù họ là tỵ nạn. Dân làng Việt không nói được tiếng địa phương,  không có điều kiện học hành nên văn hóa thấp, hoang dã và khác biệt. Bao nhiêu cháu bé được sinh ra lớn lên lại làm ngư dân du lịch, cứ luẩn quẩn cái vòng đói nghèo bế tắc. Họ cũng không trở về quê cha đất tổ vì đã lâu lắm rồi, chẳng biết về đâu…
Hàng ngàn, hàng ngàn người Việt mất gốc mất cả ngọn đang sống leo lắt trên Biển Hồ, mù mịt tương lai. Tổ Quốc thì xa xôi mà chính quyền sở tại thì không đủ sức chăm lo cho đời sống của họ.
Nghĩa trang của người Việt sẽ chìm nghỉm trong mừa nước nổi
     Tạm biệt Biển Hồ và làng nghèo cùng với ngôi trường tiểu học của người Việt, lòng tôi trống trải khôn cùng bởi tôi chắc khó có ngày trở lại nơi đây... Chúng tôi quay về thành phố khi hoàng hôn đã đỏ phía cuối trời, mọi người lặng lẽ không ai nói với nhau điều gì. Tôi chợt hiểu vì sao Bảo tàng diệt chủng về Pôn pốt- Yêng sê ri và Biển Hồ chỉ nằm trong tuor du lịch tự nguyện. Hoàng hôn như nhòe đi trong rưng rưng nước mắt Biển Hồ...
                                                                                         photo bởi VT

37 nhận xét:

  1. Hôm nay, ngày khai giảng trên toàn quốc, không biết ở Trường tiểu học Quân khu 7 của người Việt ở Biển Hồ, các cháu đón năm học mới có vui không ?....

    Trả lờiXóa
  2. chị đi du lịch vui nhỉ du lịch vào dịp mưa. ở campuchia có mưa không chị ?
    Mà người việt mình ở CPC lại ở biệt lập"Biển hồ" và ngheo thế hả chị?

    Chúc chị ngày mới tốt lành

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi rất vui Anh Nguyên ạ. Trường mình được nghỉ "thu" 3 tuần vào tháng 8. Thích nhất là được đặt chân đến đền đài chùa tháp là kỳ quan thế giới. Đẹp sững sờ luôn...Chuyến đến thăm Biển Hồ như một nốt trầm trong lòng mình và tất cả du khách trong đoàn. Họ nói như các cụ ta xưa là "không một tấc đất cắm dùi" chẳng có chốn dung thân. Khó lắm....

      Xóa
  3. Vậy là Phương Mai đã có 1 chuyến du lịch mùa thu và " xuất ngoại "...
    Phương Mai à, bài viết của bạn vào đúng mùa khai trường sao mà buồn bã thật...Nơi xa đó, có 1 làng Việt Nam đồng bào ta vất vả lam lũ mà tương lai thì xa tắp mù khơi như " biển " Hồ...Bạn có biết không: dân làng này ngày xưa giàu có lắm ( Cha chú của họ bây giờ ),giàu hơn nhiều người dân CPC bây giờ. Họ đã bị quân Pôn Pốt giết sạch và cướp hết vàng bạc được cất giấu trong đáy các hũ mắn cá...Khu mộ mà bạn đã chụp ảnh chính là mộ của họ đấy ( con cháu họ đã quy tập họ vê đấy sau ngày Pôn Pốt bị đánh đổ và những người còn sống sót thì quá sợ hãi và đã theo bộ đội Việt Nam về nước...về nước không sống nổi vì trắng tay và để sống họ lại quay sang Biển Hồ...)và mùa này đây thì khu mộ đó đang chìm sâu dưới lòng hồ...
    Cảm ơn bài viết đã cho tôi cơ hội chia sẻ những điều đã biết này. Cầu mong sao cho làng Việt Biển Hồ bớt lam lũ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như vậy, Yên Bình Nguyễn đã bổ xung những thông tin thật đầy đủ về Biển Hồ và những người đã sống và mái ở đây. Mong sao cho Đảng và Nhà nước sớm có một chính sách để cải thiện phần nào đời sống của cư dân Việt nơi lòng Biển Hồ xứ người... Cảm ơn và chúc YBN vui khỏe hạnh phúc.

      Xóa
  4. Mình được biết có một thầy giáo đã tình nguyện đến nơi này mở lớp dạy chữ cho các em đó -
    Những người này Việt ở đây đều nói :Muốn về VN nhưng sống bằng gì đó bạn à -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có những cuộc đời thật là bế tắc. PM có hỏi chuyện các thầy cô giáo ở đây và được biết, họ dạy như thế hoàn toàn là từ thiện không có ai chi trả lương. Đời sống của các thầy cô ở đây gắn với các em, nhờ vào tấm lòng hảo tâm của khách du lịch. Giá mà có một chính sách từ phía các nhà lãnh đạo cao cấp để cho những người Việt đang sinh sống ở nơi lòng hồ một cuộc sống ấm áp hơn...

      Xóa
  5. Quỳnh sống ở miền quê của tỉnh Đồng Nai,mỗi lần đi vào các xóm người Dân Tộc cũng thấy nao lòng vì sự nghèo khó của họ.Đọc bài viết và xem hình ảnh của bạn ghi lại sau chuyến du lịch,mình thấy kiếp người lây lất khổ quá.Thật xót lòng,chúng ta chỉ cố gắng làm được chút gì trong khả năng hạn hẹp cho cộng đồng thôi.Rất cảm ơn bài viết của bạn góp phần đánh thức lòng từ tâm trong mỗi người!Chúc nhiều an vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PM đã nhiều năm dạy thay sách trên vùng cao, nơi đồng bào thiểu số của tỉnh nhà, PM đã tận mắt chứng kiến cảnh nghèo khó khốn cùng của họ. Miếng ăn còn chưa đủ nói chi đến học hành. Những chuyến đi công tác như thế mình càng thấy cần phải sống tiết kiệm và thấm thía những giá trị mà mình đang có. Cảm ơn Quỳnh đã chia sẻ bài viết. Chúc vui khỏe và hạnh phúc. Cuối tuần ấm áp nhé.

      Xóa
  6. Nếu không phải là người việt chúng ta cũng nao lòng, một kiếp người sống như tách biệt rồi ngày mai sẻ ra sao!!!Mong sao có chính sách nào cho họ bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy anh ạ, đời sống họ cùng quẫn khổ cực tới mức không thể tin được. Rất bế tắc. Cuối tuần chúc anh vui khỏe, ấm áp nhé..

      Xóa
  7. Chà chị có một chuyến du lịch ở Camphu chia thật là bổ ích. E cũng từng đến nới này nhiều lần song chưa có bài viết nào đầy đủ và súc tích như chị. Chúc chị có nhiều chuyến đi như thế!. Thân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai đó đã nói : "Cuộc đời là những chuyến đi...", vậy mà mãi tới giờ PM mới có một chuyến đi ra hồn thế này Nguyễn Nhật Ánh ạ. Chúc cuối tuần đầy ắp niềm vui nhé

      Xóa
  8. Em có chuyến du lịch đáng nhớ nhỉ .Những người sống tha hương chỉ mong được ấm no và hạnh phúc vậy mà họ vẫn không thoát khỏi cảnh đói nghèo nơi xứ người ; thật tội nghiệp phải không em ?
    Chúc em ngày nghỉ luôn vui và hạnh phúc nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tội nghiệp cho họ lắm chị à. Tha hương mà vẫn nghèo đói và bế tắc. Muốn giúp lắm nhưng biết làm sao đây.
      Chúc chị chủ nhật vui vẻ và hạnh phúc.

      Xóa
  9. Thật đúng là Phương Mai đã có 1 chuyến du ngoạn đáng nhớ với biết bao cảm xúc... Chúc PM có được nhiều bài viết hay từ những chuyến đi như thế này để chia sẻ cùng mọi người những cung bậc cảm xúc tinh tế và bình dị của mình bằng lối viết rất riêng có sức truyền tải lớn.
    Cám ơn tác giả. Chúc cuối tuần vui vẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ghé ơn anh đã ghé thăm và có lời động viên. Cuối tuần chúc anh vui khỏe nhé.

      Xóa
  10. Chúc sức khỏe ĐPM nhé!Ngày chủ nhật thật hạnh phúc bên gia đình nhé!
    Bài viết thật tinh tế và đầy cảm xúc lắng đọng trong từng câu chữ,mình cảm ơn ĐPM nhiều.
    Bởi mình đã từng rong ruổi chiếc ca nô trên Biển Hồ mà không viết được như vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PM cảm ơn anh đã ghé thăm. "Cảm xúc lắng đọng và tinh tế" như anh nói là thiên phú trời cho phụ nữ. Cảm xúc của đàn ông là hành động và rất kiệm lời. Đàn ông khi lướt trên Biển Hồ sẽ có cảm giác hào hứng của người khám phá và chinh phục, là cảm xúc của người đi từ sông suối hồ ao ra biển lớn, làm gì còn thời gian mà để ý những thứ xung quanh nữa... Chúc anh có nhiều chuyến đi thú vị và quan sát ngoại cảnh chi tiết hơn nhé.

      Xóa
  11. Lâu nay không thấy Phương Mai bên face? An vui nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Nguyên đã thăm hỏi. Lâu nay vì quá bận và cũng vì chuyến đi nên Phương Mai đành gác lại FB, lúc nào rảnh rang hơn PM sẽ quay lại.
      Chúc an lành và vui vẻ.

      Xóa
  12. đọc bài viết dúng là rất ngậm ngùi....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, Mưa rừng chiều ạ. Ngậm ngùi chua xót mà đành bó tay...Mong MRC ghé thăm blog thường xuyên nha. Chúc vui khỏe.

      Xóa
  13. KHÁCH PHONG TRẦNlúc 14:04 8 tháng 9, 2013

    Hãy đi nhiều để cảm nhận và góp phần tiếng nói kêu gọi xã hội chung tay giảm thiểu những nghèo đói cho những thân phận khốn khó xung quanh chúng ta bạn ạ.
    Cảm ơn ĐPM về bài viết này, bạn đã nói hộ tấm lòng của chúng tôi và theo mình đây cũng là 1 cách chung tay...Chúc PM luôn vui khỏe và đều tay viết nhé. Chúc chủ nhật an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PM cũng mong muốn như vậy khi viết bài này, Khách Phong Trần ạ... Mong sao mọi người trong khả năng của mình hãy cảm nhận sâu sắc sự đói khổ nghèo nàn và thiếu thốn của họ để mà giúp đỡ sẻ chia thật nhiều...
      Chúc Khách Phong Trần cuối tuần vui khỏe.

      Xóa
  14. Từ văn xuôi đến văn vần chị viết rất hay ,rất thực ,không cần hoa mỹ nhưng khi đọc thấy cả tấm lòng của chị trong ấy !
    Có đi nhiều và đi những vùng sâu vùng xa chúng ta mới thấy hết tình cảnh của con người chị nhỉ ...Em rất đồng cảm với chị .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em gái đã chia sẻ. Chúc em những ngày thu ấm áp vui khỏe yêu đời và có nhiều bài viết hay như nhé.

      Xóa
  15. Phương Mai bán đảo quê anh
    Đắm hồn dòng nước trong xanh hữu tình
    Rạng ngời ánh sáng bình minh
    Làn thu mơn nhẹ,tâm bình họa thơ!
    Uẩn câu chữ viết vàng mơ
    Ghép bao thi ý như tơ dãi mềm
    Đặng lòng cánh nhạn đẹp thêm
    Sắc màu khung cảnh êm đềm nên thơ!

    Vài vần cảm tác,ngày đầu tuần thật vui và công việc luôn thuận lợi ĐPM nhé!
    Đoán thử bán đảo Phương Mai ở đâu nha ĐPM.hihihi...!

    Trả lờiXóa
  16. Cảm động quá! Đọc xong bài viết mà lặng đi một lát. Cám ơn Em đã nói lên những cảm xúc của mình để mọi người cùng suy nghĩ. Chúc PM khỏe, vui trong cuộc sống, có nhiều bài viết hay.Chuyến đi thật thú vị phải không EM?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạo này, CONHOANH đi đâu mà không thấy. Vâng, chuyến đi thăm đất nước chùa tháp rất thú vị. Ngoài đó cơ sở anh có tổ chức đi đâu ko ? Chúc anh và gia đình vui khỏe bình an nhé.

      Xóa
    2. Em à! mấy bữa qua lo cho cu Em nhập học, ổn định chỗ ở cho hai anh em nên cũng hơi bận tý thôi, lại còn việc học hành nữa, hơi rắc rối về luận văn một chút nên phải làm lại chủ đề khác- Mất thời gian một chút. Kỳ nghỉ vừa qua TB có kế hoạch qua Sầm Sơn hai ngày, nhưng khi đi lại gặp phải dịp bão nên sáng hôm sau cả đoàn TB phải về gấp,thế là chả đi đâu được. Chán quá!

      Xóa
  17. Mấy ngày hôm nay mình bận công việc nhiều quá nên không đến thăm bạn, bạn thông cảm cho mình nhé
    Chúc bạn nhiều niềm vui và an lành
    http://d.f5.photo.zdn.vn/upload/original/2011/06/03/12/27/13070788261924990749_574_0.jpg

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh. MCT, được bận là quá tốt rồi, MOng sao cho MCT cứ bận thường xuyên, sau đó giành ra trọn ngày nghỉ để thăm hỏi và trả lời các bạn ở khắp Blog.

      Xóa

  18. Đọc xong bài viết nghe buồn
    Nhìn những hình ảnh thấy xót thương..

    Đọc xong bài viết thấy buồn chị à, chẳng biết nói sao nữa. Mong chị luôn nhiều sức khỏe .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em ghé thăm. Trên đời này, ở đâu đó vẫn có nhiều những mảnh đời như vậy em ạ. Lực bất tòng tâm, những vấn đề này quá lớn, vượt tầm quốc gia. Cuối tuần chúc an vui em nhé

      Xóa
  19. Đọc xong bài viết chạnh buồn
    Cảm thương người Việt tha hương Biển Hồ!...

    Sang thăm em, anh chúc em vui khỏe, an lành và công tác cũng như sáng tác tốt nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, cảm ơn anh ghé thăm và chia xẻ. Đời sống của họ cơ cực lắm. Chúc anh đầu tuần vui khỏe nhé.

      Xóa

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.